cộng đồng pro forum chia sẻ
sân chơi teen - wed mới của admin - anh em vào phát triển


http://sanchoiteen.info
cộng đồng pro forum chia sẻ
sân chơi teen - wed mới của admin - anh em vào phát triển


http://sanchoiteen.info

Đừng nghĩ rằng bạn đang cô đơn bởi vì có ai đó đang sẵn sàng giơ tay cho bạn nắm. Hãy cùng chia sẻ để vơi đi nỗi buồn và tận hưởng trọn vẹn niềm vui trong cuộc sống này bạn nhé!



mọi ngườ đăng kí thành viên đi

số bài gửi vào diễn đàn số bài gửi vào diễn đàn :
325
:
ngày tham gia diễn đàn ngày tham gia diễn đàn :
10/04/2012
:
sở thick riêng sở thick riêng :
làm forum
:
LỜI MUỐN NÓI LỜI MUỐN NÓI :
thấy diễn đàn hay -thì đăng kí thành viên cùng phát triển nhé
thân : admin_hà
:
admin_hà
admin_hà

admin_hà
Admin

  • Admin
- Ðừng, cha đừng...
- Thế thì cha sống. Nhưng đổi lại, con phải về
để mưu phục cơ đồ. Sớm muộn cũng phải vào hai châu Hoan, Diễn. Ðó là chỗ
dấy cờ. Dựa lưng vào đất Lão Qua làm chỗ lui, hiếu hòa với Chiêm Thành
để tránh thế bị kẹp. Con nhớ chưa?
Trãi gật đầu, nước mắt ứa ra
chảy dài xuống má. Ðêm đang lặng lẽ thì thình lình có một tiếng hú, kèm
theo là tiếng trẻ con khóc ré lên từng chập. Cú rừng im bặt tiếng rúc
nhưng bầy ngựa hoảng vía hí vang lên, móng lộp cộp đạp vào mặt đất.
Tiếng hú sắc như thủy tinh vỡ thành mảnh văng vào không khí. Tiếng hú
lanh lảnh nhọn tựa đầu ngọn chông cắm chọc lên trời, xua lũ chim nháo
nhác phành phạch đập cánh bay lên quang quác kêu cứu.
Tiếng hú thê
thiết tuyệt vọng vẳng lại từ vách núi, kéo dài suốt một giải rừng dọc
biên giới tựa không dứt được. Có khi, nó ậm ực tiếng nghẹn của loài hổ
không nuốt được mồi, hả họng đến rách toạc yết hầu rồi đau đớn tru lên
một lần cuối. Sau, nó the thé tiếng mèo cái tranh đực trên mái dạ những
đêm không trăng không sao trong mùa gió bấc, nghe nao lòng đến bủn rủn
chân tay. Rồi đôi lúc nó lại khàn đặc, ê a than vãn, có đánh đập chửi
bới cũng cứ tiếp tục xin xỏ như đám ăn mày từ châu Ái hàng năm lũ lượt
rủ nhau về Kinh chìa tay đợi bố thí. Và lắm khi nó thành lời nguyền rủa
rít lên giữa hai hàm răng nghiến chặt, rít như cơn gió oán thù lùa vào
lòng người đã chất chồng căm hận.
Cứ thế, tiếng hú lúc âm u não
nùng đến từ cõi ma thiêng chốn âm gian, khi lại hệt tiếng gào rồ dại lúc
giơ tay vĩnh quyết giờ tử biệt. Nó bần bật rung trong không gian mọi
thể điệu của con người. Tức tửi. Nghẹn ngào. Căm phẫn. Bi tráng. Nhưng
dẫu gì thì những tiếng hú đêm ấy đều chia xẻù cùng một niềm vô vọng cứ
tựa biển muôn trùng. Mỗi lúc biển một bao la, thản nhiên xoáy vào vỡ
đất.
Văng vẳng suốt một vùng sơn khê, tiếng hú theo gió bay tít mù
trong cõi nhân ảnh mỏng manh của những kiếp huyễn hão phù sinh. Cạnh Phi
Khanh, Bảo và Hùng đang ngủ cũng giật mình chồm dậy lắng tai. Mấy cha
con nhìn nhau, nhưng chẳng ai nói với ai lấy một lời. Lát sau, Bảo quay
lại nói chậm rãi:
- Thưa cha, thưa anh. Phải ngủ thôi ! Ngày mai còn đi và đường trước mặt sẽ dài, dài lắm...
Tiếng hú vẫn văng vẳng trong đêm thâu đến từ phía đầu dốc. Trước đó
không lâu, Hoàng Phúc đi theo Liễu Thăng vào căn lều nhà cha con họ Hồ.
Mặt mũi xương xẩu, râu rậm rì, mắt ốc nhồi chỉ thấy lòng trắng, Liễu
Thăng cao hơn người thường dễ cả cái đầu. Hắn vừa mới bước vào đã quát:
- Giỏi thật, bay giấu thằng bé đi đâu? Ðúng là chẳng thể tin được bọn Nam di, hở một cái là chúng lươn lẹo...
Vòng tay vái, Hán Thương chậm rãi:
- Thưa ngài, mưa bão thế này có đứa trẻ đi lạc thì cũng là chuyện
thường tình, xin ngài chớ mắng mỏ nặng lời. Chắc tảng sáng, thế nào cũng
tìm ra.
Quay lại nói thì thầm vào tai Hoàng Phúc, Liễu Thăng không
thèm nhìn ai, vẫy một người phục phịch đi theo. Run rẩy, người đó bước
ra. Liễu Thăng quát:
- Tên này họ Ðặng, ở trấn Sơn Nam, nổi tiếng
là hoạn lợn rất tài. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, nay bản Triều bắt
hắn qua Ðại Quốc để lưu lại cái nghề đó cho thiên hạ. Bọn bay có biết
tại sao ta mang hắn đến đây không?
Cha con nhà Hồ nhìn nhau. Quí Ly
cười nhạt, miệng móm mém chiêu một ngụm nước, mắt lơ đãng không nhìn
một ai, nhưng lông mày giật liên hồi.
- Ta mang nó đến để nó thiến
tất cả cháu chắt chúng bay. Nhìn Quí Ly, Liễu Thăng gằn - Thế là bất
hiếu hữu tam, vô hậu vi đại. Chúng bay tuyệt diệt con cháu họ Hồ nếu như
chúng bay cứ còn úp mở dối trá. Thằng bé đó đâu? Ai mang nó trốn?
Quí Ly thình lình bật dậy, miệng rên rỉ:
- Tướng quân không làm thế được ! Lạc một đứa trẻ, dẫu nó là con cháu
họ Hồ, có can hệ gì mà phải hành xử nhẫn tâm đến vậy? Bất quá thì để đến
sáng đi tìm. Nó chỉ mười ba, mười bốn tuổi, chắc đâu đó trong rừng, có
đi đâu xa được... Vả lại, cha con dòng họ tôi sang Ðại quốc đội ơn mưa
móc đức Minh Thái Tông là đã thần phục, thế thì để lại trên đất này một
đứa trẻ thân cô thế cô, miệng còn hôi sữa, thử hỏi là để làm gì, thưa
ngài...
Hoàng Phúc bấy giờ mới xen vào, giọng mai mỉa:
- Ngài
không thần phục cũng chẳng được. Sau trận Hàm Tử thì coi như việc bình
định là xong, lẽ ra Tướng Quốc Nguyên Trừng nên tự xử từ lúc tướng tan
binh rã. Nhưng úy tử là chuyện thường tình, tham sinh là chuyện thế
nhân...
Cắt ngang, Liễu Thăng quát:
- Quân đâu, vào quây lại
bọn cháu chắt mười ba đứa. Họ Ðặng, cứ thiến. Thiến một, ta vì chữ đức
mà lại cho bọn chúng nó nói thật mưu đồ giấu giếm là gì. Nói thì ta
ngừng. Không nói, lại thiến.
Ðám trẻ cháu chắt nhà Hồ rú lên la
khóc hoảng loạn. Chúng vùng lên chạy tứ tung, đứa rúc đầu như định chui
xuống đất, đứa đâm bổ vào lòng cha ông, đứa tuyệt vọng quì lạy như tế
sao. Quí Ly chồm dậy lao vào Liễu Thăng, bị hắn chặn lại rồi thẳng tay
đẩy cho khuỵu xuống. Nguyên Trừng định xông ra nhưng hai tên vệ sĩ nhanh
tay chĩa đầu ngọn thương vào họng. Hán Thương khóc rống lên van lậy,
mặt mũi nhoè nhoẹt nước mắt.
Họ Ðặng định thần rồi bỏ từ lưng xuống một bị dao kéo.
Ðặng vẫy, hai tên vệ sĩ lôi một đứa bé đè xuống. Nhìn Hoàng Phúc, Ðặng nghiến răng, mặt tái mét, bẩm:
- Hạ dân chưa từng thiến người. Nếu mệnh hệ thì sao thưa Thượng quan?
- Chẳng sao ca û! Bớt một con rắn độc, càng tốt !
Lẳng lặng lôi một hòn đá mài ra, Ðặng chăm chú liếc một con dao dài độ
hai tấc. Xong, Ðặng lại thò tay vào bị đồ nghề lấy một cái móc có khoen
làm bằng giây đồng đưa lên ngắm nghía, miệng lẩm bẩm tính toán. Chặc
lưỡi, Ðặng quay sang nhìn hai tên vệ sĩ, miệng chần chờ:
- Các vị lột quần của…của…công tử ra..
Có tiếng trẻ thét lên đau đớn. Quí Ly lảo đảo đứng lên há mồm ra hú thảm thiết rồi gào:
- Thôi, tuyệt rồi. Ta cũng đi thôi !
Nói xong, Quí Ly cắn lưỡi. Không răng, lợi phập vào lưỡi day đi day lại
nhưng vẫn không đứt, máu miệng Quí Ly ứa ra bê bết chảy ròng ròng xuống
râu xuống áo. Nguyên Trừng chạy lại. Một tên võ sĩ hộ vệ Liễu Thăng
vung ngọn giáo chặn ngay yết hầu, một tên khác kề kiếm vào gáy. Nguyên
Trừng la lớn:
- Thượng hoàng, xin đừng tự hủy hoại !
Cười sằng
sặc, máu lại ộc ra nhuộm đỏ chùm râu bạc dưới cằm, Quí Ly tiếp tục vùng
vẫy hú lên điên dại. Cứ thế, họ Ðặng thiến đứa thứ hai. Quí Ly lại cắn
lưỡi. Vẫn không đứt.
Hán Thương lụp xụp quì xuống lạy Liễu Thăng.
Tên tướng nhà Minh chỉ trừng trừng nhìn Quí Ly, miệng nhếch lên ngạo
nghễ, chẳng thèm để ý đến Hán Thương kêu khóc van xin.
Có người
kháo rằng nghe ra đúng mười ba tiếng hú nơi địa đầu đêm hôm ấy. Như vậy,
Quí Ly cắn lưỡi cũng mười ba lần trong lúc Ðặng thiến con cháu họ Hồ.
Sau, trong đám gia nhân tùy tùng nhà họ Hồ có một kẻ trốn được từ Yên
Kinh về Ðông Ðô. Hắn kể suốt tám năm sau, nghĩa là cho đến khi chết, Quí
Ly không bao giờ nói một câu nào nữa.
Cha con Hồ Quí Ly và gia
thuộc ở toán xe đầu tiên vượt ải Phá Lũy khi trời chưa sáng rõ. Tiếng
bánh xe gỗ bọc sắt xào xạo nghiến sỏi lẫn vào tiếng ê a của bọn phu
ngựa, rồi tiếng quát tháo của đám lính mở đường, khiến cho lũ chim rừng
nháo nhác kêu chiêm chiếp rủ nhau đập cánh bay lên. Cạnh những cỗ xe màn
phủ kín, đám kỵ binh dong ngựa, tiếng lúc lắc đeo cổ reo lên như chế
giễu những kẻ bại trận đi đày. Họ ngẩn ngơ, lòng trống vắng hững hụt rơi
tuột vào cái vực hun hút phân vạch biên giới giữa Ðại Việt và Trung Hoa
mãi cứ giằng co như chửng giỡn với lịch sử hàng ngàn năm, ú tim rượt
đuổi tựa trò nghịch ngợm của hai đứa trẻ tranh giật nhau một cái bóng.
Thằng to vồ, reo lớn:
- Tao bắt được mày rồi !
Thằng nhỏ cười, giơ quả đấm:
- Mày bắt được bóng tao thôi. Còn tao, tao đánh mày !
Thằng to:
- Ừ nhỉ, nhưng sao bóng mày lại chính là tao kìa. Mày đánh tao là mày đánh cái bóng mày.
Thằng nhỏ:
- Còn mày, thế mày bắt cái bóng tao để làm gì cơ chứ?
Thằng to:
- Tao tô lại cho đẹp. Ðàn bà phải mặc quần. Răng thì đừng nhuộm đen
nữa. Và cấm ăn trầu. Cái mùi nó hăng hăng không gợi hứng phòng the...
Thằng nhỏ:
- Thế thì tao giựt lại. Dẫu thế là tao giựt chính bóng tao từ hình mày.
Trò đuổi hình bắt bóng không chỉ là trò của Vua của Chúa. Sau toán xe
đầu, đến lượt bọn quan văn, quan võ nhà Hồ. Họ im lìm, đợi gọi lượt
mình, nhích lên khi nghe và chìa một mảnh giấy có ghi tên những người
trong gia quyến cùng đi sang Yên Kinh. Ðám võ quan vẫn cân đai nai nịt
nhưng ủ rũ nhìn xuống đất. Ðám văn quan khăn đóng, áo the, nét mặt phần
lớn buồn và nghiêm. Phi Khanh hướng về phương Nam, tay nắm tay Trãi,
không nói gì. Khi gọi đến tên Nguyễn Cẩn, một người trung niên râu đen
nháy bước đến gần Khanh, nói nhỏ ‘‘...thôi, đệ đi đây ! ’’. Ðó là bào
huynh của Nguyễn Biểu, kẻ sau này ăn cỗ đầu người để thi gan với Trương
Phụ và chịu chém ở bến sông Lam chứ không hàng giặc. Cẩn vái Khanh,
thình lình xé áo buộc lên đầu như buộc khăn tang, vùng mình đi thẳng đến
một mỏm núi. Quay mặt về Thăng Long, Cẩn lạy rồi thét ‘‘ Nước mất, kẻ
sĩ không bổ gan xẻ mật báo ơn thì chỉ còn cái chết mà thôi ! ’’. Nói
xong, Cẩn lao mình xuống. Khanh sững người, hai tay nắm chặt, răng
nghiến kìm cơn nấc cứ ậm ực trong cổ.
Tiếng quát, tiếng roi quật,
rồi tiếng chân ngựa lộp cộp. Hoàng Phúc cùng đám vệ sĩ trờ tới. Nhìn
xuống vực, Phúc chẳng mảy may xúc động, lạnh lùng dặn dò bọn lính. Trãi
đặt tay lên vai cha râu tóc dựng đứng lên vì bi phẫn, thầm thì:
-... con sẽ về Hoan Châu, nhưng phải ghé lên Nhị khê đưa cả nhà cùng đi. Cha đừng bao giờ làm như Cẩn, vô ích...
Khanh mím môi, gật đầu:
- Nợ nước trước, thù nhà sau. Nhớ lấy... Cha không chết để xem con trả nợ trả thù cho cha như thế nào.

Cuối cùng, sau vua quan mới tới đám thứ dân bách tính. Họ có lẽ ít
hoang tưởng hơn cả, giành giựt thì có, nhưng ít khi giành hình giựt
bóng. Họ thực tế, mang theo trăm thứ mùng, mền, chăn, áo và những thồ
hàng. Hàng cũng đủ loại. Nào là lụa Hà Ðông, nhãn Hưng Yên sấy khô, rồi
xương hổ, cốt sấu. Nào là tượng Quan Thế Âm bằng đồng đen lấy từ tháp
Bảo Thiên, chiếc áo bào của chính Hưng Ðạo Ðại Vương khi ngài đánh trận
Bạch Ðằng, cái nghiên của Trương Hán Siêu dùng khi còn là anh học trò
mặt trắng. Họ kháo, đem đổi thì lấy sáp Tô Châu dùng để thoa môi, nhiễu
Kim Lăng vốn xưa nay được đám nhà giầu ưa chuộng, hay the Hàng Châu làm
đồ lót rất thời thượng đối với những tiểu thư nơi khuê các…Trong truyền
thống buôn hàng chuyến mỗi khi sao đổi vật dời, phải nói thật là hàng
dân vừa mất nước trên con đường vượt biên chẳng có vẻ gì là dày vò đau
khổ cho lắm, trừ một hai trường hợp đặc biệt.
Trường hợp thứ nhất
là họ Ðỗ. Sáng sớm, Ðỗ tỉnh ngủ thì không thấy vợ và con đâu. Ðỗ réo
gọi, rồi chạy bổ đi tìm, vừa chạy vừa kêu ‘‘ Nhà nó ơi, tôi có nén bạc
đây này ! ’’. Nén bạc này do Liễu Thăng ném cho Ðỗ để trả công hoạn mười
ba đứa cháu chắt họ Hồ. Bàn dân xì xào là Ðỗ thị đã mang con trốn được
về xuôi. Nghe ra, Ðỗ cũng rắp tâm lẻn đi, nhưng ban ngày ban mặt, bọn
lính nhà Minh bắt lại. Chúng đánh họ Ðỗ một trận thừa sống thiếu chết và
giải lên ải. Mặt mũi sưng tím vì trận đòn, Ðỗ như phát điên, tay vẫn
giơ nén bạc lên trời, miệng tiếp tục gọi ‘‘... nhà nó ơi ! Ra mà xem. Có
tiền tậu được sào ruộng rồi ! ’’. Một tên đội trưởng cưỡi ngựa chạy
ngang giật nén bạc, miệng cười hềnh hệch, tiện tay lại giáng một gậy vào
đầu họ Ðỗ. Ngã mặt úp xuống đất, Ðỗ vẫn rít lên ‘‘... nhà nó ơi ! Có
nén bạc đây này ! ’’.
Còn trường hợp thứ hai, không biết nên cười
hay nên khóc. Chị em ca kỹ phường Nghi Xuân làm cáng cho cô nhỏ nhất bị
giặc hãm hiếp đêm qua, vất vả thay nhau khênh đi. Cô em mặt tái nhợt,
lên cơn sốt, mồm cứ lảm nhảm kêu ‘‘... mày là thằng Ngô, nhưng ta có là
con đĩ đâu ! ’’. Ðến đâu cũng có người tò mò bu quanh, nhưng sau một
thôi đường, các cô yếu sức dần, đi mỗi lúc một chậm và thành cái mồi nhử
bọn lính Minh. Các cô sợ túm lại bàn nhau. Cô chị lớn kêu:
- Các anh ơi ! Nam nhi thì đỡ tay đỡ chân cho chúng em. Là phận con hát, chúng em hát cho các anh đi chân cứng đá mềm nhé.
Nói xong, cả bốn cô cùng hát:
Trèo lên núi dốc
Ngồi gốc cây rừng, (ôi) tôi ngồi gốc ( ơ à ) cây rừng
Ối a, ông trời, ối a...
Rằng tình ( ô anh ) ở lại
Rằng tình ( sao anh ) ở lại
Cho chặt hết cây rừng, (là) em còn vẫn ( ối a ) khóc thầm...
Thế là đoàn người đi đầy theo nhịp Quan họ miền Kinh Bắc. Nghe đâu
trước khi tới Yên Kinh, cả bốn cô đều kết duyên với những người đã nhận
cáng cô em út. Phi Bảo là người tận tụy nhất, có lẽ vì cái đêm hôm
trước. Cô em út mỗi lần thấy Bảo là quay mặt khóc ấm ức. Bảo dỗ dành:
- Thôi, khóc làm gì…Cho tôi xin lỗi !
Cô em út sụt sùi:
- Rõ hay, có lỗi gì mà xin…Cái phận tôi nó thế. Ðừng đến cáng tôi nữa,
tủi cho thân tôi…Trinh tiết chẳng còn, bơ vơ đất khách !
- Không, tôi chẳng để em bơ vơ được ! Tôi thề…
- Còn tôi, tôi không tin.
Khi đoàn người đến địa phận Ung Châu, quân Minh bắt tách ra từng nhóm
rồi chia về những địa phận khác nhau. Bảo lạc mất cô út. Sau khi xếp đặt
yên ổn nơi ăn chốn ở cho Phi Khanh và Phi Hùng, Bảo lùng xục thăm hỏi
khắp nơi. Mấy năm sau nơi đất khách, Phi Bảo tìm lại được cô này và xin
cha cho cưới làm vợ.
Sáng tinh mơ, đoàn người đã vượt cửa Phá Lũy
trong tiếng quát tháo của bọn lính canh. Mặt trời đỏ lửng ló ra từ sau
mỏm núi, cây cỏ xanh tươi như vừa tắm gội sau một đêm mưa. Phía bên này
ải, đám thân nhân đưa tiễn những kẻ đi đày đã ngừng chân, thiểu não nhìn
bóng người thấp thoáng trong những vòm cây cuối con dốc dẫn vào địa
phận Quảng Tây. Thỉnh thoảng, ai đó khóc, khóc ấm ức. Tiếng nấc nén chặt
từ cổ bật ra lạc lõng trong thinh không nghe giống như tiếng những hòn
đá núi vô tình lăn chạm vào nhau trên triền dốc.
Khi chỉ còn cây
xanh trong tầm nhìn, những kẻ ở lại thất thần ra về. Họ tránh nhìn nhau,
chân trượt trên những hòn đá bám rêu dùng để lát con dốc từ ải Phá Lũy
xuôi về nam. Họ vừa mất cha, mất chồng, mất con. Có thể họ vừa mất hết,
kể cả chính họ, trong một đám tang chia hai. Ðám xuôi, đám ngược, không
hương đèn, không khói nhang, không một vành khăn trắng, và không có
tiếng nhị, tiếng kèn phường bát âm. Chỉ thế, im lặng. Sự im lặng trong
tủi nhục nặng nề đến có là thánh là thần cũng không làm sao nhấc lên cho
được.
Cuối cùng, rồi Trãi cũng phải lê bước đi về, lời cha văng
vẳng trong đầu. Chàng bơ vơ bước những bước không hồn, tâm trí tê đi đến
độ không còn cảm thấy một ràng buộc nào gắn chàng vào cái thế giới hữu
hình hữu thể vây bọc. Mọi sự ruỗng ra biến hóa hư hư thực thực. Sáu năm
qua là một chớp mắt như mơ. Con cá quâãy đuôi, bèo tấm tán loạn trên mặt
ao dạt làm tám ngả theo hình đồ bát quái. Từ Thái Cực sinh lưỡng nghi.
Lưỡng nghi sinh tứ tượng. Rồi tứ tượng sinh bát quái. Và cứ thế, vũ trụ
chồng chất theo vết cắt đôi của mọi thể, cả thực thể lẫn siêu thể, từ
vật thể đến tâm thể. Trãi thụp xuống, tay ôm đầu, miệng lẩm bẩm ‘‘...từ
tám đến mười sáu, rồi ba mươi hai, cho đến sáu mươi bốn. Những quẻ dịch
này xếp đặt mọi biến đổi nhưng chúng đều chỉ có một điểm khởi đầu. Ðiểm
đó là gì? Ði ngược lại ắt biết. Nhưng làm thế nào? Biết được thì hiểu lẽ
thịnh suy, sinh diệt, nhược cường, thắng bại... Bằng không, Trãi cười
nhạt, buột miệng nhắc đi lập lại -...Bằng không thì chỉ có đi đày ! Vô
minh là tù ngục... ’’.
Thình lình có tiếng người ‘‘ Ðâu phải chỉ có
thế đâu. Không biết là tù ngục mà biết cũng là tù ngục đấy... ’’. Trãi
hốt hoảng quay đầu lại. Một vị sư quần áo nâu sồng không biết ở đâu tới
từ lúc nào chắp tay cúi đầu:
- A di dà Phật.
Cạnh vị sư, một đứa trẻ chỉ độ mười ba mười bốn giương mắt tò mò nhìn Trãi. Vị sư nhẹ nhàng:
- Thí chủ tha lỗi cho bần tăng lắm lời. Thấy thí chủ ngồi ôm đầu, lúc
đầu cứ tưởng thí chủ bệnh thương, lại gần thì nghe thí chủ nói nên mới
góp vào. Bần tăng là Ðạo Khiêm...
- Tôi là Nguyễn Trãi, ở Nhị Khê.
Vị sư reo lên:
- A, thí chủ hiệu là Ức Trai? Thí chủ có biết Lý Tử Cấu không? Nhìn
Trãi gật, vị sư tiếp - Thế thì ta quả có duyên, Tử Cấu là chỗ quen biết
nhà chùa đã lâu, nhiều lần nhắc đến thí chủ. Bần tăng đi tiễn thầy là
Ðạo Khải, lúc về thì nhặt được thằng bé này. Còn thí chủ chắc cũng đi
giã từ quan Hàn Lâm?
Trãi lẳng lặng gật đầu. Thằng bé chăm chăm ngó
vào mặt Trãi, nhưng không nói năng gì, tay xách cái gậy dận xuống đất,
miệng mím lại. Ðạo Khiêm lại chắp tay:
- A di dà Phật. Sinh ly còn nặng hơn là tử biệt. Bần tăng chia tay thầy, người cho bốn câu kệ, xin đọc hầu thí chủ:
Sống ở kề, gió cả
Chết trôi xa, sông sâu
Gió sông quanh ta đó
Ði, ở có sao đâu !
- A di dà Phật. Trãi ngập ngừng - Xin cảm tạ thầy có lòng khai sáng cho.
Ba người lững thững kẻ trước người sau xuống đến chân núi. Dưới ánh
nắng hừng hực, bóng họ trên đường hợp lại, rồi tan ra, cứ thế chập chùng
thể như trói buộc lẫn nhau vào một thứ qui luật càn khôn bất di bất
dịch.
Chuyện vãn, Trãi mới rõ Ðạo Khiêm cũng đã từng là sĩ tử vào
kỳ thi cuối cùng kỷ nhà Trần, đời Thuận Tông. Ði thi cùng khoa với Vũ
Mộng Nguyên, Khiêm chính là kẻ đã bẻ bút đập nghiên, không đợi phép quan
trường, bỏ ra rồi đi thẳng lại chùa Bảo Thiên xin xuống tóc. Từ đó, ai
cũng xì xào đáng lẽ ra Khiêm mới là kẻ đỗ đầu, và thế chẳng chóng thì
chày cũng rồi chiếm chỗ tôn nghiêm nhất trong chốn quan quyền. Nghe
được, Khiêm chỉ cười rồi thủng thỉnh niệm Phật.
Vào chính Ngọ, họ xuống đến chân núi. Cả bọn uể oải tìm bóng cây, giở lương khô ra ăn. Chợt Ðạo Khiêm hỏi Trãi:
- Thí chủ định về đâu?
- Tôi tính về Nhị Khê, rồi sau thì chắc vào Hoan châu. Nhưng cũng chẳng
vội gì ! Trãi cười, giọng bùi ngùi - dục tốc tất bất đạt...
Ðạo
Khiêm hỏi, Trãi chậm rãi kể qua câu chuyện trước khi từ biệt cha là Phi
Khanh. Ðạo Khiêm im lặng nghe. Bên cạnh hai người, thằng bé đi theo chèo
queo nằm, mắt hướng về phía rừng, miệng ngáy phì phò chừng như ngủ đã
say. Khi Trãi kể đến những tiếng hú đêm qua và đám cháu chắt họ Hồ bị
Liễu Thăng sai đem thiến đi cả vì hoàng tôn Hồ Ngũ Lang lạc đâu mất thì
thằng bé thình lình bật dậy. Nó ngồi lên, ngơ ngác nhìn, nhưng rồi lại
nằm úp mặt vào tay, co quắp như một đống giẻ. Ðạo Khiêm bật miệng kêu
‘‘A di dà Phật ’’.
Nhắm mắt, Ðạo Khiêm tay lần tràng hạt, mồm mấp máy tụng kinh. Một lát sau, Ðạo Khiêm nhìn Trãi trầm ngâm:
- Sau này mời thí chủ ghé thăm chùa Thiện Chính ở Trường Yên ít bữa.
Chùa thuận lối vào Hoan, Diễn hẳn cũng tiện đường. Bần tăng tin là ta
còn cái duyên hạnh ngộ.
Trãi ầm ừ cám ơn, rồi ngả mình dựa vào thân
cây. Tay che lên trán, Trãi chợp mắt lúc nào không biết. Giấc ngủ mệt
đầy mộng mị kéo một mớ hoang tưởng rối vào nhau tựa mớ bòng bong, lúc hư
lúc thực, lúc ẩn lúc hiện, lúc hiền hòa lúc đe dọa. Ánh sáng qua vòm
cây mơ hồ hắt xuống mặt đất những vệt nắng lỗ chỗ như mụn ghẻ căng mủ,
thứ mủ vàng khè cứ lớn dần rồi toang vỡ chảy vào Cửa Nam Thăng Long
thành. Trãi quay nhìn, chỉ thấy Phi Bảo đang tất tưởi hạ xuống chiếc
thuyền nan. Cha đâu? Các em ở chỗ nào? Bảo lắc đầu, lầm lì, rồi hỏi, anh
có thấy mái chèo không? Trãi cuống lên, không, không. Chèo để đâu? Dung
dịch vàng khè đặc sệt tràn lên trên mặt đê. Bảo ơi, thấy chưa? Chưa.
Thôi, chạy ngược sang cửa Ðông, chỗ đó đất cao. Nào, Bảo, chạy thôi. Ai
cho bay chạy ! Hoàng Phúc ở đâu đưa tay ra chặn, nhếch miệng cười hiểm
độc. Bay đợi đấy, Chinh di Ðại Tướng Quân sắp đến. Phúc chưa dứt lời thì
Trương Phụ đứng trên mũi một chiếc thuyền bằng đồng lướt tới. Phụ quát,
bay có muốn lên thuyền không? Ðúng lúc đó, Phi Khanh từ xa thét, đừng,
đừng, nó lừa mình lên là giết ngay, các con chạy, chạy nhanh lên. Bảo
lắc đầu, cười sằng sặc. Phi Khanh giơ hai tay lên trời, hai cánh tay
khẳng khiu, cứ dài ra, dài như thân rắn. Hai con rắn đầu cong lên. Phi
Khanh lại thét, chạy, chạy đi, đợi cha làm gì hở? Trương Phụ ha hả cười,
chạy đằng trời à, trời ta cũng đã chăng lưới rồi. Lên thuyền ta cho
sống. Tên hoạn lợn họ Ðặng giơ bộ dao kéo lên. Hoàng Phúc bảo, thằng này
có nghề, nó thiến vừa gọn vừa ngọt, soẹt một đường là xong. Hai con rắn
mắt như hai cục bi ve nhay nháy ngóc quay xuống hờm ngay đỉnh đầu Phi
Khanh, lưỡi thè ra thụt vào. Trãi tuyệt vọng, chỉ biết kêu, Cha ơi, rắn,
rắn... Nhưng nỗi sợ khiến tứ chi tê liệt, có muốn Trãi cũng chẳng nhúc
nhích nổi. Trãi đợi cái chết của cha như điều không cứu vãn được. Cố
vùng dậy, Trãi lại kêu, vừa kêu vừa khóc. Rắn ở đâu bò ra nhung nhúc
luồn lên luồn xuống cái dung dịch vàng khè bốc mùi tởm lợm đang ứ lên
khắp mọi nơi. Mạng ta đến đây là tuyệt chăng? Bốp, một tiếng chát chúa,
ngay bên cạnh tai. Rồi bốp bốp. Thêm hai tiếng. Ai đó lay mạnh kéo tay
Trãi. Mở mắt, Trãi thấy thằng bé. Tay cầm chiếc gậy, nó bảo, này, nhìn
này. Bên cạnh Trãi một con rắn bị đánh dập đầu. Trãi vùng ngồi lên. Ðó
là một con rắn thật chứ không phải những con rắn trong cơn ác mộng vừa
qua. Con rắn dài đến hai thước, mình nâu xậm có vân hoa nửa vàng nửa đỏ,
nằm sõng soài trong đám cỏ rừng xém cháy dưới nắng hạ.
Nhìn thằng bé đang lấy cây gậy chọc vào mình con rắn, Trãi hiểu là nó vừa cứu mạng mình. Thằng bé buột miệng:
- May mà thấy kịp.
Trãi vỗ nhè nhẹ lên vai nó ra dấu cám ơn:
- Tên em là gì?
- Hà Trí Viễn.
Nhìn quanh không thấy Ðạo Khiêm, Trãi hỏi:
- Nhà sư đâu rồi?
- Ông ấy đi trước, cách đây cả giờ...
- Sao em không theo?
- Tôi phải vào Hoan Châu, đại nhân cho tôi theo với... Có được không?
Viễn lại lấy cái gậy chọc vào đầu rắn như nhắc cái công mình. Trãi ngần ngừ, nhưng đặng chẳng đừng, gật đầu:
- Ðược, nhưng đừng gọi ta là đại nhân. Nhìn Viễn, Trãi chép miệng -
Chắc em trạc tuổi Phi Bảo. Cứ gọi ta là anh. Thế nhé. Em quê quán ở đâu?

Trí Viễn ngần ngừ:
- Quê... quê tôi ở Hà Tĩnh.
Trãi bật cười:
- Nhưng nơi nào, Hà Tĩnh rộng lắm...
Trí Viễn nói nhanh:
- Ở Kỳ Anh.
- Chỗ ấy là nơi cựu hoàng nhà Hồ bị giặc Ngô bắt, phải không?
Cúi xuống nhặt chiếc bọc, Viễn lảng chuyện:
- Ðại nhân ngủ mê, kêu la thế nào mà rắn nó bò đến, ghê thật ! Bước lên
vài bước, Viễn ngoái lại nhìn Trãi như giục lên đường -... thôi, không
đi ngay thì đêm nay chắc phải ngủ rừng mất.
Bần thần nhìn về phía
ải quan, Trãi lặng thinh không đáp, trong tâm tưởng hình ảnh cha và hai
em hiện ra nhưng xa xôi như áng mây lượn lờ cuối núi. Rồi thình lình
tiếng hú khủng khiếp kia lại vang lên. Trãi ngơ ngác, hai tay ôm lấy
đầu, mắt lạc tựa kẻ không còn hồn vía. Thấy lạ, Viễn ngừng chân, quay
lại nhìn, vẻ dò hỏi. Trãi hoảng hốt bật miệng kêu:
- Lại tiếng hú đêm qua...
Không đáp, Viễn ngoắt người bước nhanh về đồng bằng phía dưới.

Đêm Đông Quan
Gió cuối đông đưa chim trao trảo bay về đậu kín ngọn núi Nùng. Khoảng
cuối giờ Tí, chim bắt đầu rít lên những tiếng kêu chim chíp. Cứ thế chim
kêu cho đến giờ Dần. Ngừng đâu được dăm khắc, chim lại tiếp tục suốt
một ngày ròng. Ðến đêm, chim vẫn kêu, tiếng mỗi lúc một chói nhọn. Xua
không bay, người ta hò hét ném đá. Chim chết chẳng biết cơ man nào mà
kể, hàng trăm con xác vãi đầy trên mặt đất. Trong thành Ðông Quan, hàng
dân kháo rằng sắp đại loạn, nhao nhác rục rịch rủ nhau phiêu tán. Thượng
Thư Hoàng Phúc sai lập đàn đảo sao, giết một đứa gái đồng trinh để tế
thần xã tắc, máu chảy nhưng cứ như nước lã, để qua đêm mà không đông
lại. Dăm ngày sau bỗng nhiên chim bay đi hết, chỉ để lại Ðông Quan những
cơn gió lạnh sắt se. Gió lùa qua những tàn cây bàng. Gió thổi tan tác
những chiếc lá vàng cuối cùng còn bám víu lấy những chiếc cành khẳng
khiu đâm vào bầu trời xám đục. Gió lạnh lùng. Tàn nhẫn, vô cảm. Gió thản
nhiên thổi thốc cái lạnh buốt xương vào đám người vừa qua một cơn hoảng
loạn lại bị lùa ngay vào cơn tất bật ngày cuối chu kỳ bốn mùa với cả
trăm nghìn lo toan.
Ra hiên ngoài, Hoàng Phúc nhìn về phía dinh
Trương Phụ, miệng lẩm nhẩm một mình. Làm sao cho Phụ hiểu được ? Bắt
chém vì tàng trữ khí giới, được. Nhưng cất giấu kim ngân cũng chém ? Rồi
cất giấu sách vở, bia mộ thì chỉ phạt đánh một đến hai trăm trượng ?
Khi Phúc nhỏ nhẹ khuyên xin làm ngược lại, Phụ thẳng tay ném một chồng
sách xuống đất, hỏi ‘‘ ....cái thứ này mà quí hơn vàng à ? ’’. Phúc thưa
‘‘ Quặng đào lên luyện thành vàng chỉ mất sáu tháng là có. Còn sách,
trình Thượng quan, thì khác. Ðã mất, chẳng cách gì làm ra cho có được !
’’. Phụ trừng mắt, khạc đờm, không đáp.
Một tên quân hầu rón rén
bước gần gập đầu thưa bẩm. Hoàng Phúc xốc lại đai áo, phẩy tay thủng
thỉnh đi xuống công đường. Cửa vừa mở, một người dáng xương xương vội
đứng dậy vái chào. Phúc chỉ gật đầu, tay chỉ mời ngồi, miệng nói :
- Lát nữa, ta nói chuyện tay ba. Bây giờ, Lương đại nhân cho ta biết thêm về công việc ...
- Bẩm Thượng quan, đám tôn thất nhà Trần xin lại điền trang họ Hồ đã lấy và xếp thành công thổ. Tôi có bảo họ là ta còn xét...
- Ðược ! Làm thế này. Ta trả lại cho họ một phần mười điền trang, coi
như tổ nghiệp của họ. Ngược lại, họ phải để gia đình họ cư ngụ Ðông
Quan... Thế là chẳng giãy giụa được.
Mỉm cười, Phúc tiếp :
- Còn phía đám nho sĩ ?
- Bẩm Thượng quan, đám đại khoa bỏ trốn gần nửa. Còn lại thì theo cả, chưa gì đã hăm he chức phận.
- Bọn trốn là những đứa nào ?
- Có Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Nguyễn Thiên Tích, Bùi Cầm Hổ...
- Ừ, ta biết... Ðưa tay lên chặn, Phúc thủng thỉnh - Chúng có vào núi
sâu hay lên rừng cao cũng phải tìm cho được. Chính tay ta sẽ viết thư «
cầu hiền » cho từng đứa.
Nhìn chằm chằm vào mắt người đối thoại, Phúc rành rọt, mắt xếch lên:
- Lương đại nhân vất vả, nhưng rồi ta sẽ đền bù... Với đám chưa hợp
tác, xin ông cứ mềm mỏng. Việc của chúng ta là bình định... Và lần sau,
ông chính xác hộ. Có những kẻ không trốn, mà không theo ta, nhưng ngài
quên không nói tới...
Phúc vỗ tay. Cửa hông vào sảnh đường hé mở.
Một tên quân nghiêng mình để một người vào rồi theo liền chân. Ðứng dậy,
Phúc đổi sắc mặt, ra chiều hớn hở :
- Ðây là Thái học sinh Nguyễn Trãi, kẻ không trốn mà không theo !
Vái chào Phúc, Trãi nhìn lên. Phúc tiếp :
- Còn đây là Lương Nhữ Hốt đại nhân. Chắc hai người biết nhau từ trước ?
Hốt khẽ gật đầu, quai hàm bạnh ra, mắt nhìn xuống. Phúc cười giả lả :
- Ðấy, có Lương đại nhân, đã là quan cả cuối đời Trần lẫn đầu thời tiếm
vương họ Hồ ! Ông làm chứng cho. Tôi trả lại điền trang cho tôn thất
nhà Trần, lại chính tay viết thư xin các bậc cao minh phủ Giao Châu này
ra giúp việc công để cùng nhau xây đời thịnh trị. Quay về phía Trãi,
Phúc nghiêm trang - Nay, tôi vái ngài một vái để tỏ lòng cầu...
Vội vàng, Trãi vái lại, miệng bật lên :
- Ấy, Thượng quan đừng làm thế. Tôi không dám nhận !
Phúc đổi giọng, bất chợt gằn :
- Thế tức là ngài không xuất. Cười nhạt, Phúc nhìn vào mắt Trãi - Lẽ
nào ngài lại định phiêu lưu vào Mường Thanh. Tôi được báo rằng bọn hào
mục cầm đầu là họ Lê đã hội thề với nhau ở Lũng Nhai tháng trước.
Lắc đầu, Trãi nhớ đến cha đang còn bị giam lỏng ở Kim Lăng. Chàng bấm bụng nhỏ nhẹ :
- Thưa Thượng quan, kẻ hạ nhân này gà trói chẳng chặt, chuyện động loạn
là ngoài tầm. Vốn chữ nghĩa thì ít, việc cho là hợp lý hợp tình vỏn vẹn
chỉ nguyệän được gõ đầu trẻ, rao giảng đạo Thánh hiền. Dám xin Thượng
quan thấu cho...
Như đọc được tâm tưởng Trãi, Phúc khinh khỉnh :
- Giá như Phi Khanh không ở Kim Lăng thì biết đâu... Hừ, chiếu hoa trải
mà không biết ngồi lên, chắc rồi chỗ đứng cũng chẳng có đâu... Thôi, ta
để hai vị cùng gốc gác nói chuyện với nhau.
Nhếch mắt nhìn Nhữ Hốt, Phúc gật gật rồi không thèm chào ai quay người đi thẳng. Hốt ngượng ngập nhìn Trãi, giọng dịu ngọt :
- Tôi lớn tuổi, lại là đồng sự đời vua trước nên xin gọi chú là chú nhé
! Chú định gõ đầu trẻ thì có khó gì. Quan trên thế nào cũng cho toại
nguyện. Tôi nói trước để chú biết, Hoàng Thượng thư đang sắp xếp việc
giảng dạy cho cả phủ Giao Châu ta...
Ðưa tay lên, Trãi khẽ ngắt lời :
- Thưa ngài, ngài gọi tôi thế nào cũng được. Nhưng ngài cho tôi hỏi một
câu thôi. Từ tiên triều Lý - Trần, nước ta là Ðại Việt. Bây giờ ngài
gọi là phủ Giao Châu, tôi nghe cứ anh ách khó mà thuận lòng, vẫn tự hỏi
việc ấy tình đâu, lý đâu ?
Hốt cắn răng, mắt nhìn vào cái giá gươm, mặt căng ra. Một lát sau, Hốt nghiến răng nói :
- Tình với lý không treo trên giá gươm kia được !
Chợ Cầu Ðông nhộn nhịp hẳn lên vào những ngày cuối năm. Tiếng rao hàng
chen vào nhau như hát đuổi, không lắng tai nghe thì chẳng cách nào hiểu
được. Người đi chợ tất bật mặc cả, ỉ eo, chê bai để giảm giá. Kẻ bán kì
kèo bớt một thêm hai, khi mềm mỏng, lúc chua ngoa, giọng len lét chua
như giấm. Họa hoằn lắm mới có tiếng cười. Thường, chỉ toàn là cãi cọ,
thậm chí chửi rủa, văng tục, xô đẩy lẫn nhau. Dọc sông Tô, đám bán hoa
phường Ngọc Hà hạ giá những nhánh đào hồng, những cụm cúc vàng, những
nhành mai trắng được tỉa tói cắt xén. Mới chưa chính ngọ giá đã giảm đi
đến phần ba. Cô bé bán hàng níu tay Xuyến nài nỉ mua mở hàng, ánh mắt có
chiều nửa van lơn, nửa tinh quái. Xuyến khẽ gỡ tay, môi cười lộ hàm
răng hạt na đen lay láy. Má lúm đồng tiền hồng như cánh đào hồng, nàng
kéo vạt áo tứ thân chỉ một cành đào búp non đã hé nở. Trả tiền xong,
Xuyến ôm cành đào, mắt óng ánh sắc trời trong vàng dưới ánh nắng tươi
chứa chan buổi chớm xuân.
Dắt tay đứa cháu len khỏi đám đông, Xuyến
rẽ trái vòng về phía cửa Ðại Hưng. Ðàn ông Giao Chỉ nay chia thành hai.
Một, tóc đã tết bím. Còn lại, họ trọc đầu. Trọc ấy là bởi đâu có cái
lệnh nào cấm qui y cửa Phật, ai không thích đuôi sam thì vào chùa xin
xuống tóc. Diễu qua mặt bọn lính Minh, bọn trọc đầu chắp tay miệng niệm
Nam mô. Còn bọn tết bím, nghênh ngang che đi nét ngượng nghịu, khi nói
chêm vào dăm ngữ thoại giọng Quảng Tây. Chợt Xuyến nghe thấy tiếng la
hét, rồi tiếng chân chạy rầm rập. Một anh trọc đầu, tay cầm dao, miệng
gào ăn cướp, kêu làng kêu nước, đuổi theo hai anh tóc bím. Ðội lính canh
chợ ở đâu xồ ra, gươm giáo tua tủa, chặn tất cả lại. Anh trọc đầu phân
trần :
- Bẩm các quan, chúng nó mua hai cân thịt rồi trả bằng tiền
Thông bảo Hội Sao. Xòe ra một nắm giấy, anh trọc đầu mếu máo - tiền này
đã bị cấm dùng, nay chỉ là giấy. Bẩm các quan, các quan phân xử cho...
Tên đội trưởng bọn lính nghe phiên dịch, xì xồ nói, mắt hướng về phía
hai anh tết bím. Hai anh ngơ ngẩn không đáp, rõ ra chẳng phải người Ngô.
Ðám hàng dân bu quanh ồn ào mỗi người một tiếng. Anh trọc đầu tiến lại,
hai tay đưa ra nắm tiền. Tên đội trưởng nắm lấy lạnh lùng tung lên,
tiền bay như bướm lượn, nhưng ai nấy bàng quan đứng nhìn, trừ bọn trẻ
con la lên chạy theo đuổi bắt.
- Ðấy, quan thấy. Tiền này có ai thèm lấy nữa đâu...
Tên đội trưởng hách dịch :
- Sao mày không có tóc ? Quay sang hai anh tết bím hắn gằn giọng - Còn
sao chúng mày dám giả người Thiên triều để đi ăn cướp đổ tiếng xấu cho
chúng tao ?
Hai anh tết bím quì xuống lạy như tế sao. Anh trọc đầu
nhìn, rồi cũng bắt chước lạy. Tiến về phía hai anh tết bím, tên đội
trưởng giằng lấy gói thịt. Hắn thẳng chân đá vào mặt một anh, miệng quát
cút đi. Quay sang anh trọc đầu, hắn cười hềnh hệch :
- Bao giờ tóc mọc cho dài rồi tết bím đến xin thì ta trả cho hai cân thịt !
Anh trọc đầu mếu máo. Sợ cũng bị đá, anh lẩn ngay về phía sau. Hàng dân
xì xào tản dần ra. Xuyến nhặt một đồng tiền giấy, nhắm phía cửa Nam
lặng lẽ bước. Nàng nắm đồng tiền không còn giá trị như thực chứng sự đổi
đời một sớm một chiều ập xuống những kiếp người vất vưởng.
Lên hết
dốc, căn nhà xiêu vẹo trên đầu gò hiện ra. Xuyến ngần ngừ, tim đập
mạnh, má bỗng ửng hồng. Ði chậâm lại, Xuyến nhìn quanh, mắt hờ hững bám
vào bụi tre đong đưa trong gió. Nắng óng vàng trên những lá tre non
thuôn thả rì rào cất tiếng. Vắt vẻo đầu cành, một chú chào mào véo von,
chiếc đuôi mượt mà xanh biếc cong lên múa. Xuyến hít vào, hít thật sâu,
ngực căng lên khiến sợi dây buộc yếm nghiến vào hai vai tạo ra một thứ
cảm giác vừa đê mê vừa đau đớn. Xuyến thở ra, bảo đứa cháu ‘‘ Cầm khéo
đấy, đừng để gẫy cành non có búp đào chưa nở ’’. Con bé dạ một tiếng,
cắm cúi bước lên. Nó ngừng lại khi hai con chó con chạy ào ra xủa ăng
ẳng.
Một thằng bé con chạy vội đến. Thấy Xuyến, nó réo lên ‘‘ có khách! ’’, giương mắt nhìn rồi hỏi:
- Cô tìm ai ?
Xuyến đỏ mặt, dịu dàng :
- Thầy có nhà không cháu ?
Khi thằng bé lắc đầu, Xuyến thấy mình hững đi, lòng bỗng trống vắng,
bụng quặn lại. Một đám năm ba đứa trẻ chạy xô ra. Ðứa lớn, quãng mười
bốn mười lăm, chắp tay chào rồi thưa :
- Thầy chúng cháu vắng nhà. Cô có nhắn gì cháu xin thưa lại thầy.
Xuyến đặt tay nải xuống mặt trõng, vừa mở ra vừa nói :
- Có chút quà Tết mang biếu thầy, các cháu nhận giúp.
Lôi ra một cặp bánh chưng, cân gạo và đưa vào tay thằng bé cành đào vừa mua ở chợ, Xuyến giọng bồi hồi :
- Chắc thầy đi lâu mới về hả cháu ?
- Không, thưa cô. Thầy dặn chỉ trưa là về, giao cho chúng cháu phạt đám
cỏ gianh. Tay chỉ ra một cái gò góc vườn, thằng bé tiếp - Chúng cháu
gặp một cặp rắn, đánh dập đầu được một con, con kia biến đâu mất. Cô ra
mà xem, rắn lục, may mà nó không cắn đứa nào...
Theo chân lũ trẻ,
Xuyến ra đầu gò. Nằm lẫn vào đám cỏ mới đánh quang, xác con rắn còng
queo, đầu nát nhè, hai con mắt nửa xanh nửa xám to bằng đầu đũa vẫn
trừng trừng mở. Xuyến kêu eo ôi rồi lùi lại. Thằng bé lớn nhất bọn lấy
gậy khều cỏ rồi đẩy hai quả trứng nhỏ như hai trái sung ra. Nó nhìn
Xuyến hỏi :
- Trứng rắn cho gà ấp thì có đẻ ra rắn không cô ?

Xuyến lắc đầu bảo không biết. Ðột nhiên, Xuyến chóng mặt rồi cảm thấy
người lạnh toát. Nhắm mắt lại, Xuyến rõ ràng thấy con rắn trườn đi.
Xuyến kêu khẽ, cố mở mắt ra. Không, xác rắn vẫn đó. Xuyến xây xẩm, chân
nhũn xuống. Lũ trẻ phải dìu Xuyến vào nhà đặt nằm xuống trõng.
Khi
mặt trời đậu đỉnh ngọn tre, Trãi về đến đầu nhà. Thằng bé lớn - có lẽ là
trưởng tràng - chạy ra thì thào. Trãi bước vội vào. Xuyến lúc đó còn
thiêm thiếp ngủ, mình đắp chiếc chăn đơn, mồ hôi lấm tấm trên trán. Vẫy
tay xua bọn học trò, Trãi nhìn cặp bánh chưng, cân gạo rồi cành hồng.
Thở dài, Trãi kéo ghế ngồi cạnh chiếc chõng tre, đăm đăm nhìn Xuyến.
Trãi hồi tưởng lại lần đầu chàng đến thăm Phạm Văn Xảo cách đây sáu năm
ở Bát Tràng. Khi đó, Xuyến còn là một cô bé mười lăm, rón rén bưng nước
ra mời khách, mắt cứ e thẹn găm xuống nền gạch đỏ áu lâu đời bóng nhây
nhẫy. Năm sau, nghe có đám con nhà khá giả đến xin cưới. Bà mẹ ghẻ, kẻ
trông nuôi Xuyến từ tấm bé, bằng lòng. Xảo là anh cùng cha khác mẹ cũng
tán đồng. Nhưng Xuyến khóc với anh, bảo thà là chết chứ không đi đâu cả.
Xảo vốn rộng lượng không ép. Rồi năm sau nữa, lại một đám khác đến xin
Xuyến về làm dâu. Xuyến lại khóc. Và cứ thế, đã bốn bận Xuyến lắc đầu.
Mẹ ghẻ nhiếc ‘‘... sống làm bà cô à ? ẾÂ đến nơi, cứ đỏng đà đỏng đảnh !
’’. Xảo vẫn chiều, và hình như hiểu tấm lòng cô em, chỉ dặn ‘‘... đàn
bà biết yêu khổ lắm đấy ! ’’.
Thấy Xuyến cựa mình, Trãi nhẹ nhàng
đặt tay lên trán Xuyến. Cơn sốt đã hạ. Trãi lại nắm tay bắt mạch. Lạ
chưa, sốt hạ mà sao mạch cứ nhảy cuống nhảy cuồng lên thế này. Hé mắt,
Xuyến thấy Trãi, lại nhắm mắt lại để mặc Trãi muốn làm gì thì làm. Nàng
lâng lâng nhâm nhi hơi ấm đến từ bàn tay người đàn ông ngồi cạnh, đùi
chợt dạng ra như một phản ứng tự động, và lưỡi buồn buồn đưa đẩy chạm
vào hàm răng hạt huyền ngậm chặt. Lúc Trãi bỏ tay ra, Xuyến hững người,
ruột thắt lại. Sự ấm ức không đâu trào lên cổ như sắp tung ra thành một
tiếng rên, một tiếng gọi, một tiếng van lơn. Nghe ra, Trãi quay lại :
- Xuyến dậy rồi à - Trãi dịu dàng - cảm nắng đấy. Ðợi uống một bát nước hoa cúc cho hạ nhiệt đã...
Ngước nhìn Trãi, Xuyến bật cười trong cổ. Trãi ngẩn người ra thì Xuyến giơ tay chỉ vào đầu. Hiểu ra, Trãi vui miệng :
- À, nam nhi Giao Chỉ một nửa trọc đầu. Mùa hè tha hồ mát, lại chẳng sợ
chấy sợ rận. Nhìn quà cáp trên trõng bên, Trãi ngập ngừng - …mà sao
trên ấy bày vẽ thế này. Tội cho Xuyến vất vả mang đến đây, tôi lại chẳng
có gì để có qua có lại cho đúng lễ... Xuyến hiểu, cho tôi gửi lại...
Nghe Trãi nói, Xuyến bỗng bực mình. Ðịnh bụng bảo quà là quà của Xuyến
này chứ trên ấy là trên nào, nhưng Xuyến chỉ cắn môi nói dỗi :
-
Thầy không nhận thì em phải quẳng hết xuống sông Tô Lịch. Gượng cười,
Xuyến cố giấu giọng trách móc, ngập ngừng, đánh bạo tiếp - Với lại thầy
có mà thầy không biết đấy...
Xuyến kìm lại, nhưng nước mắt đã ứa.
Nhẽ ra, nàng nhủ lòng, phải bảo thầy không biết nên có qua mà không lại.
Bặm môi, nàng nghẹn ngào:
- Năm hết tết đến, xin thầy dăm chữ đón xuân.
- Ðồ kiết thì chỉ còn ít chữ, Xuyến đợi một tí nhé.
Gọi học trò mài mực, Trãi giải lên phản một cuộn giấy hoa tiên. Nhìn
Xuyến nay đã vén lại tóc, Trãi để ý nàng có thoa chút hương hồng lên má.
Ðứa cháu gái của Xuyến không biết thủ thỉ gì, Xuyến nhăn mặt đứng dậy,
vẻ vội vã. Bên ngoài, nắng rực rỡ. Hai con chó con nằm trên nền đất ngửa
bụng ra rỡn với bóng tre nghiêng ngả theo những cơn gió đùa cợt nhả.
Xuyến bảo :

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quyền hạn của bạn:

Bạn không có quyền trả lời bài viết
Chia sẻ
Share

_____